Tiềm năng và những hạn chế…
Huyện Núi Thành là huyện cực Nam của tỉnh Quảng Nam, giáp ranh với Quảng Ngãi. Huyện có nguồn tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên nhân văn phong phú, đa dạng, còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống hấp dẫn du khách. Huyện đang sở hữu hệ thống các di tích lịch sử – văn hóa và danh thắng nổi tiếng như Di tích Chiến thắng Núi Thành, Nhà lưu niệm nguyên Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công, Chùa Hang, Rừng Định Phước, Tháp Khương Mỹ, Hố Giang Thơm, Biển Rạn…Những năm gần đây, các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân huyện Núi Thành đã có sự đầu tư cho phát triển ngành du lịch. Bước đầu, huyện đã huy động các nguồn lực của các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng các khu vui chơi giải trí để phục vụ các nhu cầu của du khách; hệ thống kết cấu hạ tầng thiết yếu, các khách sạn, nhà hàng từng bước được nâng cấp, đầu tư mới, các loại hình dịch vụ được nâng cao. Nhiều sản phẩm du lịch trên địa bàn huyện Núi Thành được hình thành như du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch nghiên cứu lịch sử – văn hóa…đã từng bước đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, khám phá cảnh quan thiên nhiên của hàng chục ngàn du khách trong và ngoài nước. Riêng năm 2015, lượng khách du lịch đến Núi Thành tăng đáng kể; đạt khoảng 9.200 lượt khách, trong đó khách quốc tế là 860 lượt và khách nội địa: 8.340 lượt.
Ông Phạm Văn Nên – Trưởng phòng Văn hóa – thông tin huyện Núi Thành chia sẻ: “Bên cạnh những cái được, ngành du lịch huyện Núi Thành được ví như “nàng công chúa ngủ quên” với nhiều hạn chế, tồn tại. Trước hết là công tác quy hoạch phát triển du lịch chưa được quan tâm. Mặc dù có nhiều danh lam thắng cảnh nhưng sản phẩm du lịch của Núi Thành còn nghèo nàn, chưa thực sự hấp dẫn du khách cùng một số tồn tại khác, ngành văn hóa – thông tin huyện đã có những đề xuất tích cực để phát triển ngành du lịch trên địa bàn huyện thời gian đến”.
Qua thực tế cho thấy, ngành du lịch huyện Núi Thành còn thiều hẳn một số loại hình du lịch bổ trợ như vui chơi, giải trí, mua bán hàng lưu niệm. Cạnh đó, chất lượng dịch vụ ăn uống chưa cao và thiếu hẳn tính chuyên nghiệp, vấn đề vệ sinh môi trường ở các điểm du lịch chưa được quan tâm, chưa huy động được các thành phần kinh tế và nhân dân cùng tham gia làm du lịch. Nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém trong phát triển ngành du lịch ở Núi Thành được xác định là do các cơ chế, chính sách của tỉnh Quảng Nam và của huyện nhằm thu hút đầu tư chưa rõ ràng, chưa tạo sức hập dẫn đối với nhà đầu tư vào lĩnh vực du lịch trên địa bàn huyện. Địa phương cũng chưa làm tốt công tác tuyên truyền, quảng bá, xây dựng thương hiệu du lịch riêng mang đặc trưng của Núi Thành. Cạnh đó, chính quyền các cấp, các doanh nghiệp trên địa bàn huyện chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của phát triển du lịch đối với sự phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương…
“Kích hoạt” để đánh thức tiềm năng du lịch
Nằm trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội trong nhiệm kỳ mới, Huyện ủy Núi Thành (khóa XXI) mới đây đã thông qua Nghị quyết về quy hoạch phát triển du lịch huyện Núi Thành giai đoạn 2016-2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, huyện Núi Thành hướng đến mục tiêu phát triển du lịch theo hướng bền vững, khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên, giá trị văn hóa – lịch sử gắn với bảo tồn, trùng tu, tôn tạo, giữ gìn các nguồn lực để tạo ra bước phát triển mới của ngành công nghiệp không khói nầy. Huyện sẽ phát triển các khu, điểm du lịch mới, đầu tư xây dựng các trọng điểm du lịch chất lượng cao, đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn và chiếm tỉ trọng ngày càng cao trong cơ cấu kinh tế chung của địa phương. Huyện chú trọng phát triển du lịch cộng đồng, đưa du lịch về nông thôn, miền biển, xã đảo Tam Hải và miền núi, phát triển đồng bộ các ngành dịch vụ và công nghiệp phụ trợ cho du lịch…
Ông Ngô Đức An – Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành cho biết: Nghị quyết Huyện ủy Núi Thành (khóa XXI) đề ra chỉ tiêu: Khách du lịch đến Núi Thành đến năm 2020 đạt khoảng 14.500 lượt, tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm giai đoạn 2015-2020 là 11,5%; năm 2030 đạt khoảng 27.000 lượt, tốc độ tăng trưởng trung bình giai đoạn 2020-2030 là 8,6%/năm. Doanh thu du lịch và dịch vụ du lịch năm 2020 đạt khoảng 53 tỉ đồng, năm 2030 khoảng 142 tỉ đồng; huy động 250 tỉ đồng.
Để đạt được mục tiêu trên, huyện Núi Thành đang đề ra những nhiệm vụ, giải pháp nhằm đánh thức tiềm năng phát triển du lịch. Trước hết là hoàn thành quy hoạch phát triển du lịch; quy hoạch chi tiết các khu, điểm du lịch, tập trung cho quy hoạch khu du lịch Biển Rạn, khu du lịch sinh thái xã đảo Tam Hải, khu du lịch Hố Giang Thơm và hệ thống các di tích lịch sử – văn hóa…;quy hoạch các khu vực đầu tư xây dựng các công trình phụ trợ phát triển du lịch. Cùng với đó, huyện đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, xây dựng các sản phẩm quà tặng du lịch gắn với đầu tư phát triển làng nghề truyền thống như làng nghề nước mắm, hàng thủ công mỹ nghệ, hàng lưu niệm, nâng cao chất lượng dịch vụ ăn uống cùng nhiều giải pháp đồng bộ nhằm đánh thức tiềm năng phát triển du lịch ở địa phương vùng cực nam tỉnh Quảng Nam.
Văn Phin